Cơ sở chế biến cà phê Hà Chung

Năm lãi chưa từng có của người trồng sầu riêng, cà phê

  • 09-04-2024
Năm lãi chưa từng có của người trồng sầu riêng, cà phê

Giá sầu riêng, cà phê, lúa tăng kỷ lục trong năm 2023 giúp nông dân Tây Nguyên và miền Tây lãi đậm.

Những ngày cận Tết Giáp Thìn, nhiều nhà vườn ở miền Tây tất bật thu hái sầu riêng trái vụ để xuất bán sang Trung Quốc. Mỗi trái sầu trọng lượng 5 kg được nhà vườn bán gần triệu đồng, tức khoảng 200.000 đồng một kg.

Ông Thoại, chủ vườn ở Cần Thơ, cho biết chưa năm nào nông dân trồng sầu riêng "bội thu" như 2023. Giá loại trái cây này luôn ở mức cao trong chính vụ, có thời điểm lên tới 140.000 đồng một kg. Lần đầu trong hơn chục năm, ông thu lãi cả tỷ đồng nhờ bán sầu riêng.

Vườn sầu riêng ở Long An. Ảnh: Hoàng Nam

Vườn sầu riêng ở Long An. Ảnh: Hoàng Nam

Không riêng miền Tây, những người dân tại Tây Nguyên cũng thu lời lớn năm ngoái nhờ giá loại quả này liên tục lập đỉnh. Ông Cường, nhà vườn tại Đăk Lăk cho biết thu về 120 tỷ đồng sau khi thu hoạch 40 ha sầu riêng.

2023 là năm bội thu với các cây trồng nông sản chủ lực của tỉnh Đăk Lăk, theo ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Đăk Lăk. Riêng với sầu riêng, nhờ giá tốt, tỉnh này thu khoảng 12.000 tỷ đồng sau thu hoạch 200.000 tấn.

Mặt hàng nông sản khác cũng đem lại doanh thu "khủng", giúp nông dân "đổi đời" năm ngoái là cà phê.

Dự báo năm 2024, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam cho rằng, nông sản Việt tiếp tục gặt hái nhiều thành quả khi Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia Trung Đông ưa chuộng nông sản Việt. Ảnh hưởng của El Nino dự báo sẽ khiến nguồn cung lương thực thế giới giảm sút, và đây là cơ hội cho các mặt hàng nông sản Việt Nam đang có nhiều dư địa như gạo, sầu riêng, cà phê...

Chẳng hạn, với sầu riêng, Trung Quốc vẫn thu mua với giá cao khi Việt Nam là nước duy nhất có hàng trái vụ. Còn gạo, đầu tháng này 7 doanh nghiệp đã trúng thầu cung ứng 300.000 tấn gạo, chiếm 60% lượng gạo Indonesia muốn mua trong đợt đầu năm 2024.

Tuy vậy, xuất khẩu nông sản cũng đặt ra nhiều bài toán cần nhà chức trách đưa ra lời giải. "Nông nghiệp hiện còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ và tự phát, nên chính quyền, hiệp hội, doanh nghiệp cần tham gia từ đầu cùng nông dân để họ có đủ thông tin, điều chỉnh sản xuất", Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận xét.

Bộ trưởng Hoan cũng cho rằng, tới nay, mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích. Sắp tới bộ này sẽ đưa ra yêu cầu bắt buộc người nông dân phải tuân thủ. "Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn để không còn tình trạng phát triển nông nghiệp tự phát", ông Hoan nói.